Cuối cùng, Giang đã quyết định lùi bước, để kết thúc những ồn ào. Mặc dù là một người ủng hộ dự án xuất bản sách, mình tôn trọng hành động của Giang. Mình nghĩ đây thực sự là một quyết định quá khó khăn đối với cậu ấy. Nhưng đây cũng là một quyết định được dự đoán trước, vì như Giang nói, cậu ấy không muốn việc mình làm gây tổn thương cho bất kỳ ai.
Dưới đây là message mình đã gửi cho một người bạn, thuộc phía phản đối dự án. Mình viết ra đây sau khi những ồn ào lắng xuống, như một lời cảm ơn và động viên Giang.
Về Giang. Mình quen biết đã lâu, dù không thân. Giang là một nghệ sĩ trẻ có tài, và là một người dễ mến. Khi thấy nhiều người chỉ trích Giang bằng nhiều lời đả kích dữ dội, tất nhiên, mình cảm thấy không thoải mái. Mình cũng nhận ra một điều rằng chỉ trích một người khi chúng ta chưa biết rõ về họ thì thật dễ dàng. Đơn giản vì chúng ta dễ hiểu lầm, hiểu sai về họ. Chúng ta chưa gặp họ lần nào, lấy lẽ gì để cảm thông?
Giang không làm nghề vì tiền. Nên những ý kiến cho rằng Giang lợi dụng chuyện này để trục lợi là không đúng. Nếu cần tiền, Giang đã tập trung vào làm phim quảng cáo, làm designer. Là một nghệ sĩ, cái Giang cần nhất là tác phẩm. Giang đã có kha khá tác phẩm gây tiếng vang. Và Cái Hố Đen trên mạng, hay trên giấy cũng là một tác phẩm đối với Giang.
Giang không lừa dối. Những đả kích cho rằng Giang giăng bẫy để gom nhặt bí mật của người khác có lẽ mãi mãi sẽ là những lời nói khi nóng nảy. Ngay từ những ngày đầu của Cái Hố Đen, mình đã có cơ hội gặp Giang và nói chuyện về tác phẩm này. Giang hoàn toàn ngây thơ và tin tưởng vào nghệ thuật. Và Cái Hố Đen đã ra đời một cách rất ngây thơ và tin tưởng như thế. Giang không hề lên gân, câu khách. Cậu ấy đã than thở rằng những bí mật gửi đến phần nhiều là những câu chuyện thương tâm, những bi kịch khủng khiếp, những mảng màu quá đen tối. Trong khi cậu ấy mong đợi những câu chuyện nhẹ nhàng hơn, những mảng màu sắc khác hơn. Hãy xem lại những bí mật đầu tiên nhất của Cái Hố Đen ấy, chúng dễ thương biết bao. Và chúng vẫn đúng là những bí mật.
Giang không phải là nhà xã hội học hay nhà tâm lý học, Giang là nghệ sĩ. Đó là điểm yếu của cậu ấy. Giang đã không lường trước được những hệ lụy khả dĩ xảy ra. Cái cậu ấy mong muốn là một tác phẩm. Và trong suy nghĩ và cảm nhận của mình, Giang nhìn thấy những câu chuyện của Cái Hố Đen đã làm nên một bức tranh lớn. Sai lầm của cậu ấy là đã sử dụng những chất liệu từ đời sống của những người khác để vẽ nên bức tranh này. Cậu ấy quá ngây thơ.
Về Cái Hố Đen. Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa và màu sắc hiện đại nhất ở Vietnam. Đây không phải là một dự án xã hội học. Ngay từ đầu, Giang không hề có ý tưởng sẽ biểu diễn lại thực trạng xã hội nói chung, hay thực trạng tuổi trẻ nói riêng. Giang chỉ cần những chất liệu để vẽ. Và Giang đã chọn lọc chất liệu để vẽ. Có nghĩa là, cậu ấy chỉ vẽ được những câu chuyện nào cậu ấy cảm nhận được. Đã có hàng nghìn bí mật được thổ lộ, nhưng đến nay, Giang mới chỉ thực hiện được chưa đến hai trăm minh họa. Bằng cảm nhận và nét bút của mình, vô hình trung Giang đã tạo ra một sự chia sẻ riêng tư, giữa cậu ấy và nhân vật của câu chuyện. Và mình tin rằng, những người đã thổ lộ tâm can cũng cảm thấy ấm áp phần nào khi nhìn thấy một mảng đời mình qua tranh vẽ của Giang.
Việc Giang đưa Cái Hố Đen lên mạng xã hội, mình không cho rằng đây là một sai lầm. Làm nghệ thuật cần có khán giả. Và danh tiếng là một sản phẩm phái sinh của khán giả. Mình tin rằng, mục tiêu của Giang là khán giả, không phải danh tiếng. Và mình cũng tin vào điều này, khi nói về nhiều nghệ sĩ khác, đã thành công, hoặc vẫn chưa được mấy ai biết đến. Những ai gửi gắm bí mật cho Giang, đã được biết bí mật của mình sẽ được chia sẻ trên mạng xã hội. Mạng xã hội là Tumblr, hay Facebook, điều đó không có gì khác biệt. Những hệ lụy chỉ phát sinh khi công chúng của mạng xã hội lên tiếng. Công chúng có cởi mở và bao dung hay không? Công chúng có chấp nhận và chia sẻ hay không? Đừng nhìn vào những lời bình luận thiếu thiện chí, những tiếng nói phê phán hẹp hòi hướng vào những câu chuyện trong Cái Hố Đen. Đó chỉ là một phần của công chúng. Công chúng còn có rất nhiều những người đã đọc, đã suy nghĩ và đã có những chia sẻ âm thầm, những cảm thông không nói ra, với từng phần đời, từng kỷ niệm đau lòng hay viên mãn của Cái Hố Đen. Công chúng đó mới chính là khán giả mà Giang muốn hướng đến. Công chúng đó mới chính là điều mà những ai đã chia sẻ bí mật của mình cần đến.
Tiếp nối ý nghĩa đó, việc xuất bản sách Cái Hố Đen là cách Giang hiện thực hóa tác phẩm của mình và hướng đến những khán giả mới. Với mục đích ngây thơ ấy, Giang vấp phải phản ứng quyết liệt từ nhiều phía. Những người phản đối, họ không sai. Họ nêu lên những lo ngại có thật về những nguy cơ có thật. Vấn đề này cần nhiều hiểu biết về luật, về tâm lí học và xã hội học, mình xin phép không lạm bàn. Giang và êkíp của Giang sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Và một trong số những điều họ cần suy nghĩ là về những khán giả mà họ muốn hướng đến, những người tôn trọng sự khác biệt và trân trọng những chia sẻ âm thầm. Những người này có thể đã hoặc chưa từng đọc Cái Hố Đen trên mạng xã hội, những người này có thể đang ủng hộ việc xuất bản sách hoặc không. Nhưng chung nhất, họ đều đã không chỉ trích và phê phán những cuộc đời trong Hố Đen. Tiếng nói của họ liệu có đủ lớn, để lấn át đi những âm mưu, định kiến và phê phán?
Về nghệ thuật và con người. Trước tiên, mình quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật. Nghệ thuật không giải quyết được các vấn đề xã hội. Nghệ thuật chỉ phục vụ thế giới bên trong, thế giới của cảm quan và suy tưởng. Đừng trông mong gì vào những tác phẩm đầy những lời tuyên bố. Đừng đọc Cái Hố Đen và thương cảm và phẫn nộ vì xã hội đã băng hoại suy đồi. Xã hội đã và sẽ băng hoại và suy đồi tiếp diễn mãi mãi. Nhưng xã hội đã và sẽ mãi mãi cần đến nghệ thuật, chỉ đơn giản như đời sống đã và sẽ luôn cần một bông hoa. Hãy nhìn Cái Hố Đen như nó vẫn là, một tác phẩm mỹ thuật, những câu chuyện nhỏ như những bài thơ. Hãy cảm động thật tình vì những lời thú tội. Và hãy mỉm cười với những điều bí mật nhỏ nhoi.
Những lời sau cùng, mình muốn nhắn đến các bạn phản đối dự án. Các bạn đã lo ngại những bí mật kia sẽ bị phơi bày và chỉ trích. Nhưng còn Giang? Khoan hãy nói chuyện cậu ấy làm là đúng hay sai, chính “bí mật” của Giang đã bị chia sẻ, bàn tán và đả kích.
* Cái hố đen là một dự án nghệ thuật của hoạ sĩ Nguyễn Hoàng Giang. Ban đầu là một trang blog Tumblr, khi chuẩn bị gọi vốn để được xuất bản thành sách thì vấp phải chỉ trích của công chúng và cuối cùng phải dừng lại.
10/04/2015