Contax RTS

Contax là một trong ba thương hiệu máy ảnh tui rất yêu thích. Xin mở ngoặc chú thích thêm là, tui chỉ nói đến thương hiệu, là cái tên, mà thôi. Tui thích chúng vì tên gọi của chúng, chỉ đơn thuần là vậy. Hai cái tên kia sẽ lần lượt được nhắc đến trong những bài sau. Hôm nay xin nói về Contax.

Với tui, Contax là một chữ quá hay để gọi một cái máy ảnh. Contax Contax, nghe mới âm vang làm sao. Nhưng thực sự, trải nghiệm đầu tiên với Contax cũng chỉ để lại trong tui ấn tượng nhạt nhòa của một cái tên hay mà thôi.

Tui có được chiếc máy Contax RTS một cách hết sức tình cờ. Trong những ngày tháng phiêu lưu với Saigon Analogue, Contax RTS gửi về chung trong một đợt hàng, mới tinh, tuyệt đẹp. Nhưng gương phản chiếu bị hỏng, cứng đơ. Với một chút may mắn, tui đã làm nó hoạt động trở lại, mà đến giờ vẫn chưa hiểu tại sao.

Contax RTS là máy ảnh đơn kính phản chiếu dùng phim 35 li của hãng Yashica, được sản xuất vào năm 1975, dưới li-xăng nhượng quyền thương hiệu của Carl Zeiss. Thành quả từ sự kết hợp của hai tên tuổi lừng lẫy đã xế chiều (vào thời điểm đó) này là một chiếc máy ảnh to, nặng, hiện đại và trông rất ngầu.

Được quảng bá bằng những mỹ từ “Porsche Design”, “RTS – Real Time System”, Contax RTS có thiết kế rất hiện đại so với những máy ảnh khác cùng thời. Toàn bộ thân máy được sơn màu đen, nước sơn nhám, matte chứ không phải gloss như các máy khác. Các chi tiết kỹ thuật và mỹ thuật của máy khiến ta cảm nhận rõ ràng rằng nó là sản phẩm của một thập kỷ mới. Không còn quá nhiều chi tiết cơ khí gồ ghề, không còn màu bạc kim loại của những năm 60. Thay vào đó là những đường nét mượt mà, liền lạc hơn. Thay thế cho shutter button cơ là một nút bấm điện tử, kích hoạt nam châm điện điều khiển cơ phận màn trập. Cục gù pentaprism nổi bật với kích thước to lớn khác thường, và vuông vức hơn nhiều.

Máy có hai chế độ chụp, ưu tiên khẩu độ và tùy chỉnh, điều khiển hoàn toàn bằng điện tử. Màn trập điện có dải tốc độ trải dài từ 4 giây đến 1/2000 giây. ISO chỉnh được từ 12 đến 3200. Đo sáng quân bình với tâm điểm ưu tiên. Có hẹn giờ. Có thể chụp chồng phim bằng thủ thuật (không có công tắc riêng). Nắp buồng phim và màng kính hội tụ thay thế được.

Công bằng mà nói, Contax RTS là một chiếc máy ảnh đẹp, hiện đại, và có một ưu điểm to lớn là sử dụng kính Carl Zeiss. Cùng với li-xăng nhượng quyền thương hiệu, Carl Zeiss đã chế tác một dòng ống kính hoàn toàn mới, một ngàm ống kính riêng biệt Contax – Yashica (CO/Y) cho hệ thống RTS. Với kinh nghiệm và kỹ thuật lừng lẫy, không khó để hệ thống kính mới, với tiêu cự trải dài từ siêu rộng đến siêu dài, và khẩu độ to lớn hết mức của Carl Zeiss tiếp tục gặt hái được nhiều thành công thương mại và danh tiếng nổi trội.

Thế nhưng, khi sử dụng thường ngày, Contax RTS lại gây cho ta nhiều bực mình nho nhỏ, mà từ đó, trải nghiệm chụp ảnh không được như ý muốn.

Bắt đầu từ kích cỡ và trọng lượng khá lớn của máy khiến việc mang vác có phần vất vả. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm nhận của cá nhân tui, một người không lấy gì làm cao lớn và lực lưỡng.

Tiếp đến, việc bố trí bánh xe điều chỉnh ISO và tốc độ trái ngược hoàn toàn so với tất cả các loại máy ảnh đơn kính phản chiếu khác là một vấn đề. Trên tất cả mọi máy ảnh khác, bánh xe điều chỉnh ISO nằm bên tay trái, tốc độ bên phải. Đó là thứ tự cổ điển, và hiệu quả từ xưa đến nay. Vậy mà, trên Contax RTS, hai bánh xe điều chỉnh này được bố trí ngược lại, ISO bên tay phải và tốc độ bên trái. Khi sử dụng, ta phải thay đổi thói quen đã đành, việc xoay vặn bánh xe điều chỉnh tốc độ lại trở nên khó khăn hơn nữa, khi thiết kế của nó quá kì khôi.

Ý tưởng đằng sau kiến trúc này là gì? Thực ra, tui nghĩ Yashica và Zeiss có ý đồ riêng của họ. Khi sử dụng ở chế độ ưu tiên khẩu độ, ta chỉnh tốc độ ở nấc A (Auto) và để yên, chỉ điều chỉnh khẩu độ theo ý muốn. Đôi khi cần bù sáng hoặc bù tối, ta chỉnh bằng bánh xe ISO. Nếu chuyển sang sử dụng chế độ tùy chỉnh, mà thường là trong trường hợp muốn cố định tốc độ, ta chỉnh tốc độ đến mức mong muốn và tiếp tục để yên, chỉ điều chỉnh khẩu độ cho đúng sáng. Chính thực tế (chủ quan) rằng, bánh xe tốc độ chỉ được điều chỉnh đôi khi, nhà sản xuất đã chuyển nó sang vị trí ít dùng đến ở bên trái.

Đó là trong trường hợp sử dụng lý tưởng (chủ quan), và ta tin tưởng hoàn toàn vào khả năng đo sáng của máy. Trong thực tế, việc sử dụng đồng thời tổ hợp khẩu độ và tốc độ đã là thói quen của đại đa số chúng ta. Chính vì vậy, vị trí ngược đời trên Contax RTS trở thành một vấn đề khó chịu.

Khuyết điểm thứ ba, khi sử dụng ở chế độ tùy chỉnh, máy không tự động báo đo sáng. Ta phải bấm giữ nút tròn phía trước thân máy, đèn tín hiệu bên trong khung ngắm sẽ báo tốc độ đúng sáng. Ai sử dụng qua các máy ảnh báo sáng liên tục, cho dù bằng đèn tín hiệu, hay kim báo hiệu sẽ hiểu nỗi khó chịu của thao tác này. Và thay vì tích hợp nút tròn kích hoạt đo sáng vào nút chụp ảnh, để giải quyết phần nào vấn đề, nhà sản xuất đã để chúng ra hai nơi cách rất xa nhau.

Với những khuyết điểm trên, Contax RTS không phải là một lựa chọn đúng đắn cho người mới bước vào nhiếp ảnh phim. Và hệ thống kính Contax/Yashica cũng không nên là lựa chọn mở đầu. Đồng ý rằng phẩm chất kính Carl Zeiss rất tuyệt vời, nhưng ta chỉ cảm nhận được chất lượng cao cấp đó ở những khẩu độ cực kì cao, f/1.4 hay f/1.2 ở tiêu cự 50 li, f/2 ở tiêu cự 100 li, vân vân.. Ở những khẩu độ đó, độ sắc nét của kính Carl Zeiss so với kính của các hãng khác mới đủ rõ ràng để tạo sự khác biệt. Đầu tư một khoản khá lớn để đạt được điều đó, xem chừng không phải là lựa chọn khôn ngoan khi mới bắt đầu. Và chưa kể, sự sắc sảo nhiều khi quá đáng của kính Carl Zeiss lại không phù hợp với một vài phong cách, ý tưởng hoặc trường hợp nhiếp ảnh cụ thể nào đó. Riêng đối với những bạn ảnh đã quá am tường, việc sử dụng hệ thống nào không còn là một câu hỏi mà ta phải cân nhắc ý kiến chung quanh nữa, xin để các bạn tùy nghi định liệu.

27/03/2015