Interstellar là một phim rất hay và cảm động. Tui ngồi coi mà cứ lén lút chấm nước mắt. Cũng may, nhờ vậy nên cơ thể đã giải phóng được kha khá nước. Nếu không, chắc khó lòng ngồi yên suốt gần ba tiếng đồng hồ.
Sau khi hoàn hồn, điều đọng lại trong tui, ngoại trừ những điều quá hay không cần phải nói tới về tình yêu và thân phận vân vân, thì còn một mớ suy tưởng cá nhân về vũ trụ, xin viết thành một bài sau. Xin lưu ý, bài này không tiết lộ một tí gì về nội dung phim, vui lòng cân nhắc kĩ khi đọc tiếp.
Trước tiên, xin đề cập lại một cách ngắn gọn câu chuyện về chuyến du hành có lần tui đã viết.
Đại loại là, vào thời cổ đại, để kiểm tra xem Trái Đất có biên hay không, một số nhà khoa học có máu phiêu lưu đã bắt đầu một chuyến du hành, hoặc ta cứ giả tưởng rằng họ bắt đầu một chuyến du hành, theo một đường thật thẳng, đi mãi đi mãi về phía chân trời góc biển. Kết quả hiển nhiên ai cũng biết là, chuyến đi kết thúc ở ngay tại xuất phát điểm, một vài năm sau đó (hoặc có thể xê xích đi một tí vì trái đất không tròn đều cho lắm, và miễn là những nhà khoa học của chúng ta có sức sống mãnh liệt và tay lái vô cùng vững chắc để cứ đi thẳng mãi một đường).
Suy tưởng rút ra từ câu chuyện trên là gì?
Vạn vật trong không gian vật lý cấp một chịu ảnh hưởng của lực vạn vật hấp dẫn, trong trường hợp này là trọng lực – lực hút của Trái Đất. Trọng lực đã bẻ cong đường đi của chuyến du hành nói trên. Hay nói cách khác, trọng lực đã uốn cong không gian vật lý cấp một của chúng ta, mà chúng ta không nhận ra. Vì chúng ta chưa thể nào di chuyển ra khỏi không gian vật lý cấp một này, mọi sự vật hiện tượng, mọi hệ quy chiếu, mọi cuộc du hành của chúng ta đều gói gọn trong không gian vật lý cấp một. Chúng ta nghĩ rằng mình đang đi trên một đường thẳng của một mặt phẳng hoàn toàn. Nhưng thực tế mặt phẳng của chúng ta (tức là không gian vật lý cấp một của chúng ta) đã bị trọng lực bẻ cong. Kết quả là, chúng ta quay trở lại xuất phát điểm. Và không thể kết luận được Trái Đất có giới hạn hay không.
Ngày nay, rõ ràng chúng ta đều biết rằng hành tinh của chúng ta có giới hạn của nó trong bao la không gian vũ trụ. Chúng ta gặt hái được kiến thức này, bởi vì chúng ta đã bước vào không gian vật lý cấp hai (vũ trụ) để đánh giá lại về không gian vật lý cấp một (Địa Cầu). Chúng ta đã bay lên, đã chiến thắng được trọng lực – lực hút của Trái Đất là yếu tố chi phối không gian vật lý cấp một và vì thế không còn bị ảnh hưởng bởi không gian vật lý này.
Vậy thì, trong không gian vật lý cấp hai này, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta lại tiếp tục thực hiện chuyến du hành nọ? Bằng một chút suy tưởng, chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng, nếu cứ dùng một chiếc phi thuyền bay mãi vào khoảng không vô định kia, giữ tay lái cho thật thẳng thật thẳng, chúng ta cuối cùng cũng sẽ quay trở lại nơi bắt đầu. Và không thể kết luận được Vũ trụ có giới hạn hay không.
Điều gì chi phối không gian vật lý cấp hai của chúng ta? Một lần nữa, chính là lực vạn vật hấp dẫn. Lần này không còn là trọng lực – lực hút của Trái Đất nữa, mà là lực hấp dẫn của toàn thể vũ trụ. Lực hấp dẫn này đã bẻ cong không gian vũ trụ. Hãy nhớ lại cái hố đen tuyệt đẹp trong phim Interstellar. Cái hố đen trông như một vòng xuyến ánh sáng khổng lồ vô cùng tráng lệ. Thực ra, ánh sáng đó không phát ra từ hố đen. Lực hấp dẫn của hố đen quá lớn, quá khủng khiếp. Không có bất cứ cái gì, ngay cả ánh sáng, có thể thoát được. Ánh sáng đó thực chất là từ các ngôi sao xung quanh, phía trước và phía sau hố đen. Lực hấp dẫn vô cùng lớn của hố đen đã bẻ cong không gian xung quanh nó, và cả ánh sáng xung quanh nó, khiến chúng ta nhìn thấy nó như một cái vòng xuyến ánh sáng khổng lồ.
Không gian vũ trụ bị vô số lực hấp dẫn vô cùng lớn chi phối, và bẻ cong, khiến cho chúng ta không còn quan sát được “hình dáng” thực sự của vũ trụ nữa. Nhìn lên bầu trời đêm đầy sao, chúng ta cảm tưởng vũ trụ như là một quả cầu khổng lồ bao bọc lấy ta. Nhưng nhiều khi, nó thực ra lại có hình dạng của một cái donut, hoặc một hình ống xoắn ốc, hoặc hình ống dài ngoằn nghoèo đan xen và rất nhiều nút thắt. Suốt chuyến du hành giả định, phi thuyền của chúng ta cứ di chuyển dọc theo hình ống đó, xuyên suốt qua những đoạn nghoằn nghoèo và nút thắt, rồi trở về lại điểm ban đầu, mà vẫn cảm tưởng rằng mình đã đi một đường thẳng tuyệt đối.
Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự tìm được một phương pháp nào đó để chiến thắng lực vạn vật hấp dẫn và di chuyển ra đến đường biên của hình ống?
Hãy nhớ lại về cái wormhole trong Interstella. Tại những khu vực đường biên vũ trụ sẽ là những wormhole đó. Và phi thuyền giả định sẽ không cách nào khác hơn là đi tiếp vào wormhole, để rồi rơi lại vào một khu vực khác của vũ trụ.
Ở đây, cần mở ngoặc để nói thêm một điều. Mọi điểm biên giới vũ trụ đều tiếp giáp với một điểm biên giới vũ trụ khác ở phía đối diện, nhưng toàn thể vũ trụ vẫn đảm bảo tính liên tục. Điều này cũng tương tự như dải Mobius hoặc ống Klein (hãy Google). Và vì mọi điểm biên giới đều là điểm tiếp giáp, lực hấp dẫn của “mặt” này và “mặt” kia của vũ trụ ảnh hưởng lên nhau và tạo thành wormhole tại điểm tiếp giáp đó.
Tiếp tục cần nói thêm một điều nữa. Những suy tưởng về vũ trụ hình ống ngoằn nghoèo thắt nút và các vô hạn điểm tiếp giáp có vẻ không đúng đắn lắm. Nói như thế thì vũ trụ khác gì một mớ bòng bong sợi hình ống, cuộn lại thành một hình cầu ra đến vô cùng. Đúng. Đây chỉ là một cách nói ví von nhằm đơn giản hóa (hay phức tạp hóa!?) vấn đề. Thực tế chúng ta sẽ quan sát thấy như trong Interstella: một cái wormhole xuất hiện out of nowhere. Và đó chính là điểm biên giới. Phi thuyền giả định có thể đi vòng quanh, đi lên trên, đi xuống dưới điểm biên giới đó. Và khi đi thẳng vào điểm biên giới – wormhole, phi thuyền vẫn sẽ sang đến “mặt” bên kia của vũ trụ. Lực hấp dẫn đã bẻ cong không gian và tạo ra một ảo giác về một wormhole hình cầu lơ lửng trong không trung. Trong khi nó là một nút thắt của sợi mì ống!? Hoặc là một cái gì khác nữa. Trời ạ!
Nói như vậy, chúng ta sẽ không thể nào thoát ra khỏi được không gian vật lý cấp hai – vũ trụ này?
Hãy nhớ lại về không gian vật lý cấp một – Trái Đất. Để thoát ra khỏi không gian vật lý cấp một, chúng ta đã phải di chuyển theo một chiều không gian khác với không gian của chuyến du hành thất bại nọ. Chúng ta đi thẳng lên trên. Dịch chuyển theo phương của chiều không gian thứ ba này giúp chúng ta thoát khỏi mặt phẳng hai chiều chủ quan mà từ thời cổ đại chúng ta đã áp đặt lên thế giới.
Như vậy, với một chút suy tưởng, chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ về chiều không gian thứ tư trong không gian vũ trụ – không gian vật lý cấp hai có ba chiều mà chúng ta muốn vượt ra khỏi.
Đó chính là thời gian.
Vậy, nếu chúng ta dịch chuyển theo phương của chiều không gian thứ tư, liệu chúng ta sẽ ra đến không gian vật lý cấp ba? Và bằng cách nào chúng ta có thể di chuyển theo trục của chiều thời gian? Bằng cách như trong Interstellar?
Chúng ta đã biết rằng thời gian có tính tương đối. Thời gian của một vật chịu tác động của lực hấp dẫn lớn hơn sẽ chậm hơn thời gian của một vật chịu tác động của lực hấp dẫn nhỏ hơn. Thời gian của một vật di chuyển với tốc độ nhanh hơn sẽ bị co lại so với thời gian của một vật di chuyển tốc độ thấp hơn. Như vậy, liệu rằng khi chịu tác động của một lực hấp dẫn vô cùng tận của hố đen, thời gian của phi thuyền giả định sẽ ngưng đọng lại, hoặc quay ngược chiều trở về quá khứ?
Tuy nhiên, trước khi chứng kiến được những diễn biến đó, phi thuyền giả định của chúng ta và các phi hành gia bên trong đã bị xé tan tành “spaghetified” (hãy Google) khi tiệm cận hố đen.
Và giả dụ rằng họ bằng cách nào đó vẫn sống sót trong hố đen, không gian vật lý cấp ba trông sẽ như thế nào? Giống như trong Interstellar?
01/12/2014