Leica có lẽ là từ được người chơi ảnh nhắc đến nhiều nhất trong hai tuần qua. Đầu tiên, nhãn hiệu máy ảnh năm sao này khuấy động giới nhiếp ảnh nhà giàu (lẫn nhà nghèo) bằng chiếc máy Leica M9-P Edition Hermès da vàng đẹp miên man như một nỗi buồn sa mạc.
Khi các tín đồ chưa hết xôn xao, hãng này tiếp tục “khoe” chiếc vòng adapter để kết nối kính Hasselblad dòng H với thân máy medium format Leica S. Chiếc vòng này mang lại sự mở rộng đến đáng..sợ vì dù sao hệ thống kính H của Hasseblad vẫn đa dạng hơn nhiều so với hệ thống S của Leica, và nhất là bởi vì nàng có giá lên đến 1350 bảng Anh.
Sau đó, thần kính Leica APO-Summicron-M 50mm f/2 ASPH bước ra ánh sáng với tấm giấy khai sinh là tờ chi phiếu trị giá 7195 Mỹ kim. Viên kim cương đen này là phiên bản mở rộng của người anh cả đỏ già nhất trong họ Summicron 50mm f/2 ra đời từ năm 1979.
Và nhân vật cuối cùng của bộ tứ huyền thoại – con át chủ bài Leica M9 Monochrome đã xuất đầu lộ diện hồi thứ năm tuần rồi. Được ca ngợi là chiếc máy ảnh kỹ thuật số dành riêng để chụp ảnh trắng đen đầu tiên trên thế giới, Leica M9 Monochrome đã bắt đầu gây ấn tượng với những tấm ảnh trắng đen chụp thử nghiệm có độ chi tiết đáng kinh ngạc.
Thực ra, nếu không có những tin tức trên, có lẽ người ta vẫn tán gẫu, bàn bạc, toan tính và toa rập với nhau về Leica với cường độ không kém đi là bao. Đã là một tên tuổi lớn từ khi mới bắt đầu sự nghiệp, là hãng khai sinh ra dòng máy sử dụng phim 35 li – loại phim nhiếp ảnh thành công nhất về mặt thương mại, Leica đã nghiễm nhiên đồng nghĩa với một giấc mơ đối với nhiều người chơi ảnh đam mê. Họ tôn thờ Leica, len lén nhìn, nín thở ngắm, âm thầm yêu và run rẩy mua. Xung quanh Leica là một bầu không khí huyễn hoặc và bí mật, xa hoa và phù phiếm, nhỏ dãi và cháy túi.
Nhưng liệu những thấu kính phi cầu (aspherical lenses), những thành phần kính linh động (floating elements), cùng với lớp tráng phủ thần sầu và cả một triều đại của ngành cơ khí chính xác hội tụ trong một bộ máy ảnh Leica có giá bằng một chiếc Chevrolet Camaro đời 1967 có thực sự giúp ích gì cho nhân loại hay không?
Hãy khoan trả lời câu hỏi này, và cùng hướng ánh nhìn sang một cái tên khác. Lomo. LOMO là từ viết tắt tiếng Nga của Leningrad Optical Mechanical Amalgamation. Dịch sang tiếng Việt nghĩa là Siêu đại tập đoàn cơ khí và quang học của đồng chí Lenin. Người khổng lồ này sản xuất rất nhiều trang thiết bị quang học, y học và cơ khí nhằm phục vụ sự nghiệp của Liên bang Xô Viết vĩ đại. Và một trong số đó là chiếc máy ảnh bé nhỏ khiêm nhường mang tên Lomo LC-A.
Đây là một chiếc máy ảnh được lên kế hoạch một cách nghiêm chỉnh. Tuy nhiên vì Liên Xô trước đó chưa bao giờ làm bạn với Đức hay Nhật Bản, nên máy ảnh họ sản xuất ra không giống Đức và Nhật cho lắm. Nói trắng ra là nó hoạt động sai bét và thủng lỗ chỗ. Nhưng đó lại là một sự sai lầm tươi đẹp. Khi mà những vệt cháy phim, những vùng quang sai, những phần góc tối, những bệt màu nhòe nhoẹt bê bết lại có thể phối hợp với nhau một cách tài tình và ngẫu hứng để tạo ra một bức ảnh có phong cách hết sức nghệ thuật đại chúng.
Khỏi nói, giới trẻ – những người hằng ngày thì nghèo nhưng trong một vài phút giây lại rất giàu trí tưởng tượng – đã hâm mộ chiếc máy ảnh rẻ tiền này như thế nào. Và từ từ, một phong cách nhiếp ảnh đại chúng mới ra đời. Lomography.
Với sự tiếp tay cổ vũ không mệt mỏi của những người anh em Trung Quốc, chiếc máy ảnh Lomo LC-A bằng nhựa ngày nào đã nhanh chóng được nhân bản và thêm mắm dặm muối để trở thành những Holga Diana Mimosa Alibaba và nhiều nhiều nữa. Và giá thành của những em bé bằng nhựa mong manh và trật vuột này cũng ngày một tăng cao theo thang chiếc nhiệt kế kẹp vào nách của cơn sốt chụp ảnh ngang hông.
Và như vậy, nhân loại chứng kiến cuộc trùng sinh của Leica và Lomo, hai thái cực của nhiếp ảnh. Một đấu tranh liên tục không ngừng để tạo ra những bức ảnh ngày càng sắc nét, chi tiết, tương phản và không còn một vết quang sai. Một lại hết mình cổ súy cho những bức ảnh mịt mù, chói lóa và bê bết sáng. Và dù ở cực nào thì công cuộc tranh đấu đó cũng tiêu tốn bộn tiền của người chơi ảnh.
Liên tục phấn đấu để đến được tận cùng của sự hoàn mỹ như Leica là căn nguyên của sự phát triển. Và chính nhờ những tên tuổi như Leica mà xã hội loài người mới có thể ngày một đi lên. Dù là trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Và dù tiêu tốn kha khá gia tài.
Trẻ trung và trào lưu như Lomo cũng rất đáng khích lệ. Vì sai lệch và mờ mịt đó mới chính là tinh thần tuổi trẻ. Và chúng ta ai cũng cần phải trẻ. Ít nhất là một lần trong đời. Ít nhất là trong nhiếp ảnh.
Nhưng có một điều người viết muốn giãi bày ngắn gọn rằng. Bạn hãy dành nhiều thời gian để nghĩ về nhiếp ảnh, hơn là đau đầu toan tính với Leica hoặc ném tiền qua cửa sổ cho một chiếc hộp nhựa made in China.
Xin kể lại một câu chuyện cuối cùng để kết bài. Người viết có một người bạn ảnh mới quen. Anh ta là một tay máy cừ khôi nhưng lại rất kín tiếng. Lần nọ, thuở còn mới tập chụp ảnh phim, anh ta có tìm mua một chiếc máy song kính phản chiếu (TLR). Trên một diễn đàn về nhiếp ảnh có một gã đăng bán 2 chiếc máy song kính Ricohflex. Ở đây xin mở ngoặc thuyết minh rằng, ở Vietnam, nói đến máy song kính thì chỉ có 2 hiệu Rollei hoặc Yashica. Những cái tên như Ricohflex chỉ thuộc hàng thứ phẩm. Anh bạn của chúng ta vì túi tiền eo hẹp nên đã chọn mua 1 chiếc Ricohflex giản dị rẻ tiền kia. Máy chỉ có 5 nấc tốc độ và nhỏ bé chỉ bằng một nửa so với Yashica hay Rolleiflex. Rồi anh ta chụp ảnh và đăng lên diễn đàn. Gã bán máy nọ xem ảnh xong lật đật gửi tin nhắn cho anh bạn này bảo rằng MÁY chụp đẹp quá, thôi tớ không bán chiếc kia nữa. Thiết nghĩ không biết bây giờ, máy Ricohflex của gã nọ đã chụp đẹp được chưa.
Bài đăng trên tạp chí tự do Mile Magazine số mùa hè năm 2012