Vĩnh biệt mùa hè

Tuần rồi, tôi đọc được một câu chuyện hài hước về một người chủ tiệm pizza bên Mỹ kiếm lời bằng cách tự đặt pizza của chính mình. Tóm tắt lại, anh ta đặt bánh thông qua ứng dụng giao đồ ăn Doordash, và chỉ phải trả 16 đô la cho cái pizza giá 24 đô chính anh ta bán. Phần chênh lệch giá 8 đô hãng Doordash chịu. Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện arbitrage pizza này ở đây.

Việc các công ty khởi nghiệp đốt tiền mua người dùng như câu chuyện trên không còn xa lạ gì nữa. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang tận hưởng những khuyến mãi thơm tho của các hãng gọi xe công nghệ, các hãng giao đồ ăn hoặc các ví điện tử. Và ngày ngày trên mặt báo, chúng ta vẫn thấy họ lỗ lã triền miên hoặc chỉ dự tính sắp có lời.

Nếu là dân chơi crypto, chắc bạn càng không ngạc nhiên với mấy chiêu trò kiểu này. Hoặc là, bạn cũng chưa bao giờ thèm tự hỏi về những lợi suất khổng lồ có được khi ký gửi tài sản điện tử trên mấy nền tảng DeFi.

Câu chuyện Terra USD với nhà băng Anchor vừa sụp đổ hồi tháng 5 năm nay vẫn còn nóng hổi. Rất nhiều người ký quỹ UST vào Anchor chưa bao giờ quan tâm đến nguồn gốc của cái lãi suất trên trời 20% hứa hẹn. Họ cứ ngây thơ tận hưởng nó, càng lâu càng tốt. Nếu Anchor phải lập báo cáo tài chính thường niên như các start-up, chắc chắn con số âm phải rất khổng lồ. (Nhưng nếu thực sự Anchor phải lập báo cáo, liệu sẽ có mấy ai thèm đọc.)

Phải sáng suốt mà nhìn nhận rằng toàn bộ nền công nghiệp DeFi được sinh ra để giải quyết một nhu cầu không lớn đến mức kỳ vọng. Những phần trăm lợi suất trên mây trả cho người ký quỹ không đến từ người vay mà từ nguồn vốn tự có (nói trắng ra là từ việc bán hoặc sử dụng token). Ngay cả những người đi vay cũng không hề có đủ khả năng trả lãi. Người ta thế chấp crypto để vay stablecoin, rồi dùng stablecoin đó mua thêm crypto để tối đa hoá khả năng sinh lời, KHI THỊ TRƯỜNG TĂNG TRƯỞNG NÓNG. Nói cách khác, Defi được dùng như một đòn bẩy tài chính trá hình cho dân chơi crypto, chứ nó không hề được sử dụng như một công cụ tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh thuần túy.

Nguy hiểm hơn, trong khi ở thị trường tín dụng truyền thống, các tài sản thế chấp (hầu hết là bất động sản) có giá trị khá ổn định trong trung hạn thì các tài sản thế chấp của Defi (hầu hết là crypto) lại có biên độ dao động quá lớn. Điều này khiến cho rủi ro khoản vay bị bán giải chấp trong Defi rất cao.

Các công ty khởi nghiệp start-up, sau khi start thì cần phải up. Up có nghĩa là tăng lượng người dùng, tăng trưởng doanh thu (doanh thu không có nghĩa là lợi nhuận) thật nhanh chóng. Sự gia tăng và gia tăng nhanh chóng doanh thu sẽ củng cố được cái gọi là tiềm năng của doanh nghiệp đó, làm yên lòng các nhà đầu tư và thu hút thêm tiền ở các vòng gọi vốn tiếp theo. Vì vậy, bằng mọi giá, doanh nghiệp khởi nghiệp phải gia tăng nhanh chóng doanh thu bằng cách thực tiễn nhất là gia tăng nhanh chóng người dùng. Bằng cách dễ nhất là gia tăng nhanh chóng tốc độ đốt tiền quỹ.

Các nền tảng Defi cũng không ngoại lệ. Nhưng thị trường crypto không phải là thị trường tài chính truyền thống. Các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư crypto hầu hết là các nhà đầu CƠ. Cho nên mức độ và tốc độ đào thải của thị trường crypto cao hơn thị trường truyền thống rất nhiều. Nói cách khác, dòng tiền trung và dài hạn của các start up trong crypto rất hạn chế. Tốc độ đốt tiền càng nhanh, doanh thu bù lại không kịp, sự sụp đổ trước mắt.

Tháng chín đã sang, mùa hè đã trôi qua. Những hy vọng về một mùa hè Defi như hồi năm 2020 đã tắt ngấm. Thay vào đó, mọi người đang rỉ tai nhau về Real Yield – Doanh thu thực – Doanh thu bền vững. Những dự án đốt tiền mua người dùng đã bị bóc mẽ. Nước đã rút và ai không mặc quần đã bị lộ. Thời buổi gạo châu củi quế này, chỉ những dự án nào có dòng tiền dương mới có thể tồn tại lâu dài, chờ đến một mùa tăng trưởng nếu có trong tương lai còn xa.

10/09/2022