Hỗn loạn và Tiền tệ

Tối hôm qua, tôi tình cờ đọc được một đoạn trích dẫn từ chương 6 cuốn THE BEST THAT MONEY CAN’T BUY – BEYOND POLITICS, POVERTY, & WAR – Jacque Fresco trên Facebook của một người có vẻ là người đang dịch cuốn sách này. Toàn bộ phần trích đoạn này đề cập đến “Sự phi nhân tính của hệ thống dựa trên tiền tệ“ với những quan điểm cho rằng một nền kinh tế có mặt đồng tiền đã tạo điều kiện cho sự tích lũy tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tinh hoa, chiến tranh, lòng tham, vân vân và vân vân. Tôi đã có một đoạn trao đổi như sau với người dịch.

Tôi: Cách viết của tác giả (hoặc là ý chí của tác giả mong muốn) khiến người đọc cảm thấy nguyên nhân của các vấn nạn đã nêu ra là do một nền kinh tế dựa trên tiền tệ, và sự đo lường giá trị tạo ra của con người lao động đều dùng một hệ quy chiếu là tiền tệ. Vậy tác giả có viết tiếp về một giải pháp khả dĩ, hoặc một nền kinh tế không dựa vào tiền tệ thì sẽ vận hành ra sao? Mong chờ người dịch dịch tiếp các phần tiếp theo. Vì theo thiển ý cá nhân, cho dù nền kinh tế có vận hành dựa trên bất cứ hình thức trao đổi giá trị nào chăng nữa, sự chênh lệch giàu nghèo, lòng tham, sự giả dối lừa phỉnh và các mưu mô vẫn sẽ luôn tồn tại bằng mọi cách. Lý do đơn giản là vì đó là bản chất của loài người, nó không nằm trong khả năng giải quyết của bất cứ mô hình kinh tế hay chính trị nào. Xin cảm ơn!

Người dịch: Không có cái là gọi là bản chất loài người, chỉ có các hành vi được định hình bởi môi trường, bởi những gì anh ta tiếp xúc. Còn về lòng tham, như ông Fresco đưa ra một ví dụ, giả dụ bây giờ có một cơn mưa vàng, mọi người sẽ tranh nhau ra nhặt và đem cất vào các ngóc ngách có thể ở trong nhà mình; nhưng nếu mưa tiếp tục trong 3 tháng, lúc đó việc người ta làm là cẩm chổi cầm xẻng quét hất đi. Với tài nguyên và trình độ sản xuất hiện tại, nếu được thiết kế để không phí phạm và vứt bỏ quá nhiều như hiện thời khi chạy theo một xã hội tiêu dùng, thì hoàn toàn có thể xây dựng một xã hội có ích lợi cho tất cả mọi người, như trong video clip về dự án Venus ở trên. Nó không phải là một mô hình kinh tế chính trị, mà là mô hình của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Giải pháp sẽ được nói tới trong chương 7. Đây là đoạn mở đầu chương 7: “IN THIS CHAPTER WE DISCUSS a straightforward approach to the redesign of culture, in which war, poverty; hunger, debt, and human suffering are viewed as not only avoidable, but totally unacceptable. This new social design seeks to eliminate the underlying causes of our problems, but they can’t be eliminated within the framework of the present monetary and political establishment.” Cái mà ông Fresco đề xuất là nền kinh tế dựa trên tính toán nguồn lực/tài nguyên (resource-based economy).

Tôi: Cảm ơn anh đã trả lời. Nhưng ví dụ của ông Fresco đưa ra xin hoàn toàn bác bỏ. Lòng tham chỉ có thể áp dụng cho một cái gì có giá trị chung (nếu anh có sở thích tham lam nắp khoén chai bia thì đó không thể gọi là lòng tham). Vàng tự nhiên rơi từ trên trời xuống trong vòng ba tháng, tất nhiên giá vàng sẽ giảm phát phi mã, và nó trở nên vô cùng rẻ rúng. Người ta muốn cầm chổi quét đi vì người ta không còn tham lam vàng nữa. Chứ không phải là họ không còn tham lam. Sẽ luôn có một ai hoặc một vài người nào đó muốn chứng tỏ mình vượt trội hơn những người khác trong làng bằng cách này hay cách khác, bằng cách sáng tạo ra những phát minh mới cũng có, và bằng cách sở hữu nhiều vật giá trị hơn người khác cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu chúng ta dùng ví dụ trên để hỗ trợ cho giả định rằng, nếu tất cả mọi của cải vật chất đều được tạo ra đầy đủ cho mọi người, không bị tích lũy tư bản khổng lồ ở nơi này và cạn kiệt ở nơi kia như hiện tại thì con người sẽ không còn tranh cướp lẫn nhau nữa, thì cũng có thể lắm. Nhưng vấn đề là làm sao chúng ta tạo nên và duy trì một cơ chế vận hành xã hội như vậy? Khi mà tích lũy cũng là một hành vi hiển nhiên của con người để phòng vệ cho bản thân và nhiều khi cũng để khẳng định bản thân vượt trội hơn người khác, cho dù đó chỉ có thể là tích lũy muối ăn trong một xã hội không tiền tệ đi chăng nữa.

Người dịch: Những gì chúng ta đang bàn luận ở đây là các quan điểm (opinion), là thứ mà ông Fresco chế nhạo. Chúng dựa trên hệ thống ngôn ngữ cũng đã lỗi thời. Chúng ta không giải quyết được vấn đề phần lớn là do chúng ta không biết đặt câu hỏi. Nếu dựa trên tranh luận về quan điểm thì sẽ không bao giờ có, ví dụ, máy bay. Vì quan điểm là con người không bao giờ bay được, hay một khối sắt nặng thì không thể nào bay được. Cái quan trọng là bắt tay thực hiện, là “take the survey”: cần có những gì để thực hiện điều cần thực hiện, chứ không phải là đi xin ý kiến quan điểm là nó làm được hay không. Đấy là việc làm vô ích, vì mọi thứ đều không làm được, cho tới khi có người làm được nó. Hy vọng là bạn hiểu được ý này.

Tất nhiên là tôi không hiểu được ý của người dịch. Vì anh ta có vẻ bác bỏ các quan điểm hoài nghi của tôi về hình thái xã hội không tiền tệ lý tưởng đó và muốn bắt tay vào thử thực hiện nó. “Mọi thứ đều không làm được, cho tới khi có người làm được nó”. Đúng đấy chứ. Nhưng chẳng phải chúng ta luôn cần có những tiếng nói phản biện, những câu hỏi kiểm chứng trong suốt quá trình làm nên những điều không làm được ấy sao. Tôi đành ngưng chất vấn anh ta về chủ đề này.

Tôi đã dành thời gian xem đoạn video clip về dự án Venus và nền kinh tế dựa trên tính toán nguồn lực/tài nguyên (resource-based economy) mà người dịch đề cập đến. Tôi còn đi xa hơn cả sự rảnh rỗi của mình, đọc luôn cái chương 7, nơi có giải pháp cho hình thái xã hội không tiền tệ lý tưởng ấy và lướt qua các chương khác mà tôi cho là quan trọng trong quyển sách chừng 100 trang này. Chỉ có một từ để diễn tả mà tôi ngay lập tức nghĩ đến. Lunatic.

Chương 7 đã đề xuất tóm gọn như sau:

Loại bỏ hoàn toàn tiền tệ trong hình thái xã hội mới.

Phân bổ lại toàn bộ tài nguyên/nguồn lực của xã hội (nơi nào khan hiếm thì sẽ được hệ thống phân phối trung tâm vận chuyển đến, đại loại vậy)

Hoạt động sản xuất ra các của cải vật chất phục vụ đời sống con người sẽ được tiến hành dựa trên nguồn tài nguyên đã được phân bổ, và, quay trở lại, tiếp tục được phân bổ đồng đều cho mọi người.

Vì toàn bộ tài nguyên/nguồn lực đã được phân bổ đều đặn, ai cũng có mỗi thứ một ít nên không cần dùng tiền tệ để trao đổi mua bán gì nữa.

Tất cả các hoạt động trên được thực hiện, không phải trong một sớm một chiều, hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo và máy móc. Và trong một chương khác, tác giả còn mong muốn loại bỏ hoàn toàn các chính phủ và thay thế bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra mọi quyết định công bằng nhất cho toàn thể nhân loại.

Tôi không phủ nhận quan ngại đúng đắn của tác giả về hiện trạng xã hội xuống cấp và bất công hiện nay. Nhưng tác giả đã không nhận ra nguyên nhân thực sự dẫn đến hệ lụy này, để từ đó có một giải pháp phù hợp. Mà trái lại, đã tự để mình lún sâu vào hố thẳm chủ nghĩa tương lai lý tưởng vô lý. Và thực sự không hề quá đáng khi đánh giá những gì viết trong quyển sách trên là một thứ chủ nghĩa xã hội 2.0.

Toàn bộ các luận điểm bác bỏ hình thái kinh tế có sự hiện diện của tiền tệ vì cho rằng tiền tệ là lý do hàng đầu cho các vấn đề của loài người đã là một sự nhầm lẫn tai hại ngay từ đầu. Tiền tệ là một phát minh vĩ đại của loài người tiến bộ. Nó là một hình thức giao tiếp giữa loài người với nhau. Và thông điệp mà tiền tệ giúp chuyển tải là giá trị, trị giá, mức độ quý hiếm, mức độ mong muốn, cần thiết đối với một của cải vật chất nào đó. Chính bản chất con người đã khiến đồng tiền trở nên xấu xí. Tư duy triết lý ba xu này không phải luôn được nói đến ra rả khắp mọi nơi sao. Vậy mà tác giả lại quy chụp cho đồng tiền là mầm mống nguy hiểm cho xã hội và quyết định loại bỏ nó. Tác giả là một nhà tương lai học, nhưng đáng tiếc có vẻ đã không hề được biết đến tiền tệ kỹ thuật số, bitcoin và cryptocurrency. Đấy là hình thái tiến bộ mới của tiền tệ, mà sự can thiệp và lũng loạn của chính phủ hay những kẻ giàu có (lưu ý, thậm chí là giàu có vì có nhiều tiền tệ kỹ thuật số đi chăng nữa) bị hạn chế đến mức tối thiểu. Với tiền tệ kỹ thuật số, rất nhiều những vấn đề tác giả nêu ra ở chương 6 sẽ được giải quyết. Và thậm chí tiền tệ kỹ thuật số cũng làm luôn được một việc là phân bổ sự tiếp cận nguồn tài nguyên tiền tệ một cách đồng đều cho toàn bộ loài người.

Vấn đề nghiêm trọng là, cho dù nhân loại đang tiệm cận với một hình thái tiền tệ tiến bộ mới như vậy, những vấn nạn cốt lõi của con người: lòng tham, sự đam mê vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng vẫn sẽ còn tồn tại mãi. Vì sao? Vì loài người có trí tuệ, có suy nghĩ. Những nhu cầu, đòi hỏi và tâm lý phức tạp trong não bộ con người không phải là điều mà bất kỳ hình thái xã hội nào có thể làm cho hài lòng. Nếu cho rằng hình thái xã hội tương lai lý tưởng kia sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của con người và sẽ không còn sự xung đột nào cần thiết nữa, thì chúng ta đã quá ngây thơ. Hãy tìm hiểu về Gombe Chimpanzee War để thấy rằng khi một loài linh trưởng đó đủ trí thông minh, sống trong một môi trường có sự phân bổ tài nguyên đồng đều dư dả, vẫn nảy sinh xung đột đẫm máu như thế nào.

Sự hỗn loạn vốn là bản chất của vũ trụ. Như định luật thứ hai về nhiệt động lực học đã phát biểu đại ý rằng entropy của toàn bộ vũ trụ luôn tăng. Vũ trụ vận hành theo cơ chế làm cho mọi thứ trở nên hỗn loạn nhất có thể. Đồ vật để trên bàn, ta phải cố gắng cẩn thận lắm mới không đánh rơi cái này cái kia. Một căn nhà bỏ hoang lâu năm, khi trở về, mọi thứ trong nhà trở nên hoang phế. Đó là những ví dụ hết sức nôm na cho ta thấy rằng những nỗ lực duy trì trật tự, cho dù là trật tự trong nội bộ căn phòng của ta, hay là một trật tự cho thế giới đều chỉ có thể được trong một giới hạn thời gian. Về lâu dài, tất cả mọi thứ cần phải trở nên hỗn loạn để tạo lập cái mới.

03/07/2017