Tiền điện tử

Tuần qua, thị trường tiền điện tử toàn thế giới chao đảo vì chính quyền Trung Quốc quyết định đóng cửa tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước.

Giá Bitcoin rơi tự do từ khoảng 4.300 đô la Mỹ xuống còn gần 3.200 đô la Mỹ, kéo tất cả các đồng tiền điện tử khác lao dốc theo và thổi bay mất 50 tỉ đô la Mỹ tổng vốn hóa thị trường. Khỏi phải nói, giới đầu cơ đã có một phen thót tim và chắc có không ít người phải tán gia bại sản.

Những tin xấu như thế này không phải mới xuất hiện lần đầu. Và người ta cũng không phải mới bắt đầu biết hoài nghi về “tiền ảo” hay về hoạt động đầu cơ quá đáng trên thị trường “tiền ảo”. Những câu hỏi lớn vốn đã được đặt ra khi Bitcoin rớt giá từ 3.000 đô la Mỹ xuống còn 1.800 đô la Mỹ hồi tháng 6 năm nay, hay xa hơn nữa là vào năm 2014, từ 1.100 đô la Mỹ xuống còn 400 đô la Mỹ. Tuy nhiên, không ai không nhận thấy rằng cứ sau mỗi đợt lao dốc, giá trị của đồng tiền điện tử số 1 thế giới Bitcoin lại tiếp tục tạo đỉnh mới. Và mỗi khi một tin sốt dẻo nào đó về Bitcoin lan ra trên mặt báo, lượng người biết và tìm đến với thế giới tiền điện tử lại càng nhiều thêm.

Rõ ràng, Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành một chủ đề rất nóng trong giới tài chính nói riêng và trong toàn xã hội nói chung. Và việc ứng xử với vấn đề này như thế nào trên phương diện pháp luật và quản lý kinh tế là một bài toán mà mọi chính phủ cần phải tìm lời giải sớm.

Trở lại với câu chuyện cấm đoán của chính quyền Trung Quốc, thực ra những đồn đoán về động thái này đã nổi lên râm ran từ hồi đầu tuần, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) ra quyết định cấm toàn bộ hoạt động kêu gọi vốn đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu điện tử – Initial Coin Offering (ICO). Công bằng mà nói, việc cấm này là cần thiết. Hoạt động ICO vốn đã và đang bị lạm dụng và lợi dụng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhiều công ty khởi nghiệp ma được thành lập, đưa ra những lời tuyên bố hùng hồn và những sản phẩm đột phá giả tạo, phát hành một mã cổ phiếu điện tử có thể dễ dàng tạo ra bằng cách sao chép – rồi dán (copy – paste) các đoạn mã (code) dựa trên Blockchain Ethereum, và rồi bán nó cho công chúng trên các sàn giao dịch điện tử để gom một số tiền lớn trong chớp mắt. Thế nhưng, hành động tiếp theo, đóng cửa toàn bộ những sàn giao dịch tiền điện tử ở đại lục, lại là một việc làm quá khó hiểu của Trung Quốc. Một lời giải thích dễ chấp nhận nhất mà giới thạo tin đưa ra là lệnh cấm chỉ là tạm thời, trước khi các nhà lập pháp Trung Quốc đưa ra các quy định và luật lệ phù hợp để quản lý hoạt động đầu tư và đầu cơ tiền điện tử.

Rõ ràng, Trung Quốc không thể không nhìn thấy cách ứng xử đối với tiền điện tử mà các nước phát triển đã và đang thực hiện. Chẳng hạn, Nhật Bản đã chính thức công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán trong toàn bộ các giao dịch mua bán trao đổi hồi tháng 4 năm nay. Và Nhật không phải là quốc gia duy nhất làm việc này. Phần Lan đã chấp nhận thanh toán tiền điện tử từ lâu. Ở các nước Hà Lan, Anh, Úc, Canada và nhiều bang ở Mỹ, mặc dù không được chính thức thừa nhận bằng luật pháp, thanh toán Bitcoin đã trở nên phổ biến trên toàn lãnh thổ.

Hay như các định chế tài chính lớn cũng đã bắt đầu quan tâm đến tiền điện tử và công nghệ Blockchain. Hồi đầu tháng 9 này, sáu ngân hàng lớn bao gồm Barclays, Credit Suisse, Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada, HSBC, MUFG và State Street đã hợp tác với tập đoàn tài chính UBS Thụy Sỹ để cùng phát triển một loại tiền điện tử tạm gọi là “tiền tiện ích”. Đồng tiền “tiện ích” này sẽ cho phép các tập đoàn tài chính thanh toán hoặc mua cổ phiếu của nhau mà không cần phải chờ đợi giao dịch chuyển tiền “thật” thành công. Đây không phải là lần đầu các tập đoàn tài chính liên danh phát triển tiền điện tử. Vào năm 2015, đã có 70 ngân hàng, bao gồm những tên tuổi lớn như Barclays, BBVA, Credit Suisse, Goldman Sachs, J.P. Morgan, UBS, Citi và HSBC, cùng tham gia vào một dự án có tên là R3 CEV.

Mượn chuyện người để nói chuyện mình, Việt Nam không nên đứng ngoài xu thế phát triển mới mẻ này của thế giới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Động thái tích cực này thể hiện rằng Việt Nam đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc có một bộ quy tắc ứng xử chính thức đối với các loại tài sản và tiền tệ công nghệ cao. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hoạt động mua bán trao đổi tiền điện tử ở Việt Nam đang diễn ra hết sức nhộn nhịp. Và hoạt động “đào” tiền điện tử cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của không chỉ các cá nhân mà còn của các doanh nghiệp.

Người Việt có tập quán tích trữ tài sản bằng việc cất giữ vàng. Chúng ta cũng ưa chuộng thanh toán bằng tiền mặt hơn các loại hình thẻ và ngân hàng trực tuyến. Điều này thể hiện thói quen ăn chắc mặc bền, hay chính ra là sự e ngại phải giao tài sản của mình cho người khác, ở đây là ngân hàng, nắm giữ. Tiền điện tử xuất hiện như một kênh đầu tư, cất trữ tài sản hoàn toàn riêng tư. Ban đầu, người ta tìm đến chúng như là một loại hình vàng kỹ thuật số. Sau đó, họ tiếp tục nhận ra rằng hoàn toàn có thể dùng chúng để thanh toán cho các giao dịch mua bán trực tiếp mặt đối mặt trong đời sống hàng ngày, tương tự như khi dùng tiền mặt, với một chút thao tác công nghệ không quá phức tạp. Tất nhiên, chặng đường đến với tương lai phổ cập tiền điện tử như vậy vẫn còn khá xa.

Có cầu ắt có cung, hoạt động đầu tư các máy móc để “đào” tiền điện tử trở nên nóng hơn bao giờ hết. Gần đây, hải quan TPHCM đã phải đau đầu tìm cách xử lý một lô hàng nhập khẩu số lượng rất lớn máy “đào” tiền điện tử của một doanh nghiệp lớn. Những thiết bị này chưa được liệt kê vào danh mục nhập khẩu và việc cho phép đưa vào sử dụng trong nước sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến mức nào đối với hoạt động giao dịch tiền điện tử nói riêng và cả hoạt động giao dịch tài chính nói chung chính là lý do khiến các nhà chức trách phải phân vân.

Nhu cầu của người dân và doanh nghiệp là một thực tế. Bây giờ Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm hướng dẫn, bảo vệ và quản lý của mình. Hướng dẫn để người dân hiểu rằng trước làn sóng quá nóng của tiền điện tử, việc cần làm ngay là phải tự trang bị cho mình kiến thức để không bị tụt hậu so với thế giới. Bảo vệ để người dân và doanh nghiệp cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo công nghệ cao đang hoành hành. Và sau cùng, quản lý khi cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu đón nhận những cơ hội kinh doanh và đầu tư mới.

Để thể hiện được vai trò và trách nhiệm đó, các nhà lập pháp cần nhìn nhận được thực tế khách quan về tập quán tài chính, về nhu cầu và khả năng của người dân để có những bước đi thích hợp. Đồng ý rằng hệ thống tài chính, năng lực điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia, cũng như thông lệ và kinh nghiệm từ quốc tế đều chưa thực sự sẵn sàng. Đồng ý rằng chúng ta không nhắm mắt loại trừ những rủi ro vô cùng lớn của sự ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội để chạy đua với các nước trong việc đón đầu làn sóng cách mạng về tiền tệ này. Nhưng cần có niềm tin rằng chính sách của chúng ta không mặc nhiên bỏ qua, làm ngơ trước một xu hướng mới mà ở đó nếu có môi trường pháp lý phù hợp, chúng ta có thể là một trong những quốc gia sở hữu và sử dụng tiền điện tử nhiều nhất thế giới.

Viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn 2017