Zenza Bronica ETRS

Zenza Bronica là một hãng máy ảnh Nhật Bản tồn tại khoảng nửa thế kỷ, chủ yếu phổ biến trong giới nhiếp ảnh nhà nghề. Nhãn hiệu có vẻ lạ tai này bắt nguồn từ một nhân vật có họ tên lạ tai không kém – Zenzaburo Yoshino.

Vào những năm 1950, kỹ sư Zenzaburo đã ôm mộng chế tác cho được một chiếc Hasselblad của người Nhật. Ông lập một nhà máy cơ khí, miệt mài làm việc đến năm 1958 thì chiếc máy ảnh Zenza Bronica đầu tiên ra đời. Thương hiệu “Zenza Bronica” là một kiểu chơi chữ lối Tây của cụm từ tiếng Nhật “zenzaburo nica” – dịch nôm na là “máy chụp hình của ông Zenzaburo”.

ETRS là mô đen đời khá mới của Bronica, thuộc dòng ETR – đơn kính phản chiếu dùng phim khổ 645, ra đời khoảng độ 1970 – 1980. Cho các bạn đọc nào chưa rành rẽ, khổ 645 vẫn là khổ phim trung bình, nhưng kích cỡ khung hình là 6×4.5 inches vuông, thay vì 6×6 inches vuông. Và vì vậy, máy chụp được 15 kiểu thay vì 12 kiểu trên một cuộn phim khổ trung 120.

ETRS, như tất cả các máy Bronica khác, là máy ảnh mô đun, gồm các thành phần tháo lắp được, bao gồm: buồng gương lật, back phim (buồng phim), kính ngắm, ống kính… Nhìn bề ngoài, ETRS khiến ta liên tưởng đến những sản phẩm điện tử của những năm 80, những cái đầu máy video và tivi đèn hình, vì hình dạng vuông vức góc cạnh của nó. Dù không liền lạc mượt mà như những chiếc Hasselblad, ETRS vẫn đẹp một cách rất riêng. Bố cục các cơ phận trên máy không có gì khác lạ so với các máy mô đun dùng phim khổ trung khác. Bên phải buồng gương ta có tay quay lên cò, cần gạt chụp chồng phim. Bên trái là bánh xe chỉnh tốc độ. Bên phải back phim có tay quay trả phim. Tấm che rút ra phía bên trái. Mặt trước phía tay phải ta có nút bấm chụp có khoá xoay.

ETRS dùng màn trập lá trên ống kính, có tốc độ từ 2 giây cho tới 1/500 giây, điều khiển điện bằng pin 6V trên buồng gương. Cần mở ngoặc nói rõ điều này, như vậy, ống kính của máy chứa tất cả cơ phận hệ trọng nhất: màn trập và lá khẩu; thân máy chỉ làm nhiệm vụ tiếp điện điều khiển. Ống kính tiêu chuẩn là Zenzanon tiêu cự 75 li khẩu độ tối đa f/2.8. Máy không có chế độ tự động. Nếu muốn được hỗ trợ đo sáng, ta phải tự trang bị thêm cục gù điện tử có chức năng này.

Xong phần mô tả sơ bộ, bây giờ, ta đi vào đánh giá cảm nhận khi chụp ảnh với Zenza Bronica ETRS.

Điều đầu tiên phải nói đến là kích cỡ vô cùng to lớn của máy. So với Hasselblad, hay những máy đơn kính dùng phim khổ trung khác, Bronica ETRS đã được xem là tương đối nhỏ. Nhưng nguyên do là bởi máy cho ra khổ phim 645 thay vì khổ vuông 6×6 truyền thống, và vì vậy đây không phải là ưu thế để ta nhắc đến. Toàn bộ chiếc máy khi lắp kính và thước ngắm (loại thước ngắm ngang eo) nặng gần 1 kí rưỡi và to lớn như một chiếc máy quay video dùng băng từ. Với kích cỡ thượng thừa như vậy, việc mang vác, di chuyển và xoay sở với máy khi chụp ảnh ngoại cảnh không phải là việc dễ dàng. Tất nhiên, những hệ máy chụp phim khổ trung dạng này, ngay từ ban đầu, chỉ được chế tác để phục vụ nhiếp ảnh studio, việc mang vác ra ngoại cảnh không được khuyến khích.

Tiếp đến, khổ phim 645 để lộ nhiều nhược điểm khi thao tác. Với khổ phim vuông 6×6, người chụp ảnh không có nhu cầu cầm máy đứng hay đặt máy ngang. Nhưng với khổ phim chữ nhật 645, việc xoay sở để bố cục khung hình là một điều tất yếu. Thế nhưng, điều này hoàn toàn bất khả thi khi ta dùng kính ngắm từ trên xuống. Với loại kính ngắm này trên ETRS, ta chỉ có thể chụp ảnh bố cục nằm ngang. Khi ta cố ý lật máy để tạo khung hình đứng, ảnh phản chiếu trên lăng kính bị đảo ngược, vô cùng khó chịu. Nếu tối cần thiết, ta buộc phải sắm thêm cục gù pentaprism (như hình minh họa). Và với cục gù này, ta lại phải trang bị báng tay cầm nếu muốn động tác chụp ảnh được mau lẹ hơn.

Điều gì có thể cứu vãn chiếc máy ảnh này, khi nó gây cho ta khá nhiều phiền toái như đã nêu trên? Không gì khác hơn chính là chất lượng ảnh vượt trội đáng nể mà nó mang lại. Bronica có những ống kính phẩm chất không thua kém gì Carl Zeiss của Hasselblad, mà kích cỡ lại gọn gàng hơn nhiều. Những ống kính độ tương phản và phân giải cao, cho ta những bản phim khổ trung chi tiết, đặc sắc và ưu việt hơn gấp nhiều lần khổ phim 35 li phổ dụng. Ảnh chụp từ ETRS (hay ảnh chụp từ những máy mô đun dùng phim khổ trung nói chung) sắc sảo không thua kém ảnh kỹ thuật số, lại vừa mang đầy đủ không khí của ảnh phim.

Và còn gì nữa? Nếu đem so sánh với những kiểu máy ảnh khác, ETRS hay những chiếc máy ảnh mô đun có khả năng thay thế back phim giúp ta thoải mái lựa chọn kiểu phim, ISO, phim màu hoặc đen trắng mà không cần thiết phải chụp cho tròn một cuộn. Miễn là ta có đủ nhiều back phim để thay đổi qua lại. Ấy là chưa nói đến khả năng mở rộng vô hạn khi lắp đặt những back phim kỹ thuật số tân tiến hiện giờ. Máy ảnh mô đun cổ điển của ta lập tức trở thành máy ảnh kỹ thuật số khổ lớn. Cuối cùng, cái lẫy nhỏ phía bên phải gần tay quay lên cò cho phép ta chụp chồng phim là một ưu thế không phải máy ảnh mô đun nào cũng có, nhất là các máy Hasselblad.

Kết luận.

Zenza Bronica ETRS chưa bao giờ và sẽ khó lòng trở thành một chiếc máy ảnh đại chúng. Không nhận được nhiều lời khen ngợi, và sẽ khó gây được thiện cảm với người dùng trong lần đầu tiên tiếp cận, ETRS vẫn có những nét thu hút riêng, phù hợp với những nhu cầu riêng. Nếu bạn cần chụp ảnh phim thương mại, và nhất định phải chụp khổ 645, ETRS là một lựa chọn không tồi.

07/08/2015